Phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Thứ 6, Ngày 02 / 02 / 2018

Phụ nữ không chỉ là một thành viên của xã hội mà còn là người mẹ, người thầy đầu tiên của con người, mà phụ nữ còn có vai trò ảnh hưởng đặc biệt quan trọng trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, giá trị đạo đức trong mỗi gia đình, cộng đồng, xã hội.

Tuy nhiên thực trạng xã hội hiện nay cho thấy, đạo đức, lối sống trong một bộ phận phụ nữ đang có biểu hiện xuống cấp. Vì vậy cần có sự định hướng rõ các giá trị đạo đức cho người phụ nữ Việt Nam phù hợp với đặc điểm thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giúp người phụ nữ có đủ bản lĩnh, sức đề kháng trước những tác động tiêu cực từ mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế. Nên vấn đề bảo vệ, giữ gìn phẩm chất “anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ truyền thống và bồi dưỡng phẩm chất đạo đức mới của người phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước là vô cùng cần thiết và có ý nghĩa quan trọn 

    Với tầm quan trọng như trên, Hội liên hiệp Phụ nữ Việt nam đã xây dựng Đề án Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giai đoạn 2010 - 2015 và được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 343/QĐ-TTg ngày 12 tháng 3 năm 2010. Đề án là một trong những hoạt động quan trọng nhằm góp phần xây dựng con người Việt nam theo tinh thần Nghị quyết trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc và xây dựng người phụ nữ Việt Nam theo tiêu chí được xác định trong Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nhằm góp phần tạo tiền đề xây dựng và hình thành phẩm chất đạo đức tốt đẹp cho người Phụ nữ Việt Nam, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ đổi mới đất nước theo xu hướng phát triển và hội nhập.

            “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” là những phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt Nam. Tuy nhiên, bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, các phẩm chất đạo đức ấy được bổ sung những nội dung mới với những tiêu chí cụ thể, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn hiện nay.

            Tự tin: Là tin tưởng vào bản thân mình.

            Người tự tin là người tin tưởng vào năng lực của bản thân, có chí tiến thủ, tự đánh giá ưu, nhược điểm của bản thân. Từ đó, đặt ra cho mình mục tiêu để phấn đấu vươn lên, rèn luyện bản lĩnh, nghị lực, không ngại khó, ngại khổ, vượt qua mọi hoàn cảnh khó khăn, khắc phục tâm lý tự ti để đạt mục tiêu ấy.

            Trong công việc, người tự tin là người năng động, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Trong cuộc sống, người tự tin thường chủ động, bình tĩnh xử lý mọi tình huống. Người tự tin có tinh thần hợp tác cao; sẵn sàng giúp đỡ người khác; khiêm tốn khi thành công, bình tĩnh rút kinh nghiệm khi thất bại.

            Tuy nhiên cần phân biệt ranh giới giữa tự tin với tự cao, tự mãn: tự tin quá, cho rằng việc gì mình cũng làm được, hoặc chỉ mình làm được, dễ dẫn đến coi thường người khác và trở thành tự cao, tự mãn.

            Tự trọng: Là coi phẩm giá, danh dự của bản thân mình.

            Đối với đất nước, người có lòng tự trọng là người yêu nước, thực hiện tốt nghĩa vụ của công dân, không làm ảnh hưởng xấu đến đất nước; tôn trọng, tự giác chấp hành luật pháp, chính sách, những quy định của cơ quan, đơn vị, địa phương; đấu tranh chống các hành động sai trái, tiêu cực, vi phạm pháp luật.

            Đối với mọi người, người tự trong là người luôn có tinh thần đoàn kết, tương trợ; tôn trọng, không xúc phạm người khác; không lợi dụng, ép buộc, lôi kéo, kích động người khác hoặc để người khác lợi dụng, ép buộc, lôi kéo, kích động.

            Đối với gia đình, người tự trọng là người biết tôn trọng và thực hiện tốt quy dịnh của pháp luật về hôn nhân gia đình; thương yêu, giúp đỡ, tôn trọng gắn bó với các thành viên trong gia đình; hiếu thảo với cha mẹ, ông bà.

            Đối với bản thân, người tự trọng là người tự giác thực hiện các nghĩa vụ của bản thân (người công dân, người cán bộ, người con, người mẹ…); không làm những việc không nên, không được  làm, kể cả khi không ai biết. Biết xấu hổ, nhận khuyết điểm khi làm việc sai trái; nói đi đôi với làm, không phát ngôn bừa bãi, thiếu trách nhiệm; tự chủ, tự lực, tự giác ngộ cao, thực hiện tự phê bình và phê bình thường xuyên.

            Nhìn chung, với mỗi người Việt nam thì lòng tự trọng cao nhất là tự tôn dân tộc. Một người tự trọng không bao giờ đặt lợi ích cá nhân lên trên lợi ích dân tộc, đất nước và cùng không bao giờ vì quyền lợi cá nhân mà làm tổn hại đất nước, dân tộc. Quá tự trọng dễ trở thành người ích kỷ, người tự cao hay tự ái. Thiếu tự trọng dễ bị sai khiến, làm theo người khác, kể cả việc sai trái. Lòng tự trọng là yếu tố quan trọng nhất làm nên nhân cách, hình ảnh của mỗi người. Một dân tộc không có lòng tự trọng sẽ dễ bị phụ thuộc, dễ dẫn đến mất độc lập tự do và dẫn đến mất nước.

            Trung hậu: Là trung thực, nhân hậu trong quan hệ với mọi người.

            Biểu hiện của phẩm chất trung hậu thể hiện trước hết đó là lòng trung thành, chung thủy: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân; chung thủy trong các mối quan hệ (tình bạn, tình yêu, tình đồng nghiệp), không vì bất cứ lý do gì mà thay lòng đổi dạ.

            Người trung hậu còn là người nhân ái, sống có nghĩa có tình: Sống theo đạo lý “uống nước nhớ nguồn”; sống vì mọi người, yêu thương, sẵn sàng, giúp đỡ người khác trên cơ sở đồng cảm, chia sẻ; không vì quyền lợi cá nhân mà làm hại người khác.

            Người trung hậu cũng là người trung thực, thẳng thắn, thể hiện sự công tâm, khách quan trong đánh giá, đối xử với mọi người; không tham lam, vụ lợi.

            Đảm đang: Là những người biết lo toan, sắp xếp để thực hiện tốt cả công việc gia đình và xã hội.

            Người phụ nưa đảm đang trước hết là người có khả năng quán xuyến công việc gia đình: Chia sẻ, phân công công việc phù hợp cho các thành viên; tham gia lao động để góp phần tạo nguồn thu nhập ổn định; cùng người chồng nuôi dạy con trưởng thành; chủ động tạo dựng mối quan hệ thương yêu, gắn bó, tôn trọng, bình đẳng giứa các thành viên trong gia đình; chi tiêu hợp lý, thực hành tiết kiệm.

            Người phụ nữ đảm đang còn là người biết cân đối thời gian giữa việc gia đình và việc xã hội: cần cù, sáng tạo trong lao động, công tác; tích cực tham gia các hoạt động xã hội, nhân đạo, từ thiện.

            Người phụ nữ đảm đang biết sắp xếp thời gian nghỉ ngơi, học tập, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình.

            Bốn phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” của người phụ nữ luôn có mối quan hệ hữu cơ với nhau, phẩm chất này là tiền đề, điều kiện, cơ sở, kết quả của phẩm chất kia và ngược lại. Cả bốn phẩm chất đó đều là những phẩm chất đạo đức tốt đẹp của mỗi người Việt nam nói chung, và đặc biệt của phụ nữ Việt nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong đó phẩm chất tự trọng có vị trí cốt lõi, tác động đến các phẩm chất khác.

            Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang luôn là phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, góp phần thể hiện vai trò làm vợ, làm mẹ của người phụ nữ, đồng thời khẳng định vị thế của chị em trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Trong giai đoạn hiện nay, việc phát huy phẩm chất đạo đức ấy càng có ý nghĩa hơn, giúp người phụ nữ đáp ứng yêu cầu thời kỳ CNH, HĐH đất nước và hội nhập quốc tế.

            Đối với bản thân người phụ nữ, bốn phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” giúp người phụ nữ nắm bắt cơ hội, tận dụng những yếu tố tích cực, tránh những tác động tiêu cực của thời kỳ CNH, HĐH và hội nhập, vượt qua mọi thử thách, khó khăn để trở thành người phụ nữ sống thiện, sống đẹp, sống có ích. Khi vai trò, vị trí của phụ nữ được nâng lên, chị em có thể đóng góp nhiều hơn cho đất nước.

            Đối với mỗi gia đình, bốn phẩm chất đạo đức “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” còn giúp người phụ nữ thực hiện tốt vai trò của người vợ đảm, người mẹ hiền; từ đó tác động tích cực tới các thành viên trong gia đình; tạo cơ sở xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc bền vững.

            Đối với cộng đồng, bốn phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” giúp người phụ nữ có thể thực hiện tốt trách nhiệm công dân, tác động tích cực tới cộng đồng, xã hội, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đất nước.

            Vậy để giữ gìn và không ngừng phát huy những phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, tất cả phụ nữ Việt nam cần tích cực học tập, rèn luyện bốn phẩm chất “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”, đồng thời là nòng cốt trong việc tuyên truyền để các phẩm chất đạo đức tốt đẹp đó có sức lan tỏa khắp toàn xã hội. Bởi lẽ, giữ gìn, phát huy và bồi dưỡng những phẩm chất, đạo đức tốt đẹp của phụ nữ Việt nam không chỉ cần thiết đối với phụ nữ, mà còn cần thiết đối với mọi người dân Việt nam trong thời kỳ phát triển và hội nhập hiện nay của nước nhà./.